Ngôi trường nằm ngay giữa trung tâm thành phố nhưng nhuốm màu thời gian cổ kính, nên thơ. Có lẽ những thế hệ 8x trở về trước, ai cũng một lần nghe qua giai điệu êm dịu và lời bài hát đầy chất thơ này trong ca khúc Trưng Vương khung cửa mùa thu do nhạc sĩ Nam Lộc viết. Trong số các trường nữ trung học xưa ở Sài Gòn, Trưng Vương nằm ở một vị trí yên tĩnh nhất, thơ mộng nhất, ngay cạnh Thảo Cầm Viên đầy hoa bướm, trên con đường rợp bóng me xanh… Ngôi trường với kiến trúc Pháp xinh đẹp, khung cảnh mộng mơ và những tà áo dài nữ sinh xinh đẹp ngày ấy đã là chất xúc tác tuyệt vời cho bao tác phẩm thơ ca nhạc họa ra đời.
Từ rất lâu rồi, “Trưng Vương – Khung cửa mùa thu” với ca từ lãng mạn và giai điệu đẹp đã làm lay động nhiều con tim người Việt. Thế nhưng người yêu nhạc có khi chưa biết đó là một bản nhạc ngoại đã được nhạc sỹ Nam Lộc soạn lời Việt một cách tài tình.
Giọng hát có đôi chút hoang dã và khỏe khoắn của một Thanh Lan trẻ trung trước năm 1975, ghi âm tại Sài Gòn, lần đầu tiên đưa ca khúc này ra với công chúng. Sau đó, có nhiều nữ ca sĩ khác đã trình bày ca khúc này, cảm nhận khi nghe nhìn chung không có nhiều khác biệt về cảm xúc, một phần có lẽ vì bản thân bài hát đã được đóng khung trong một cảm xúc chuẩn mực, khó để biến đổi.
Sự khác nhau chỉ còn là ở chất giọng, độ mềm mại và độ rung của từng nốt nhạc bởi từng ca sĩ; qua thời gian, nhận thấy không ca sĩ nào tạo nên được sự khác biệt đáng kể cho bài hát này. Và có lẽ nhiều người cũng đã hiểu rằng, nếu hát khác đi thì không còn là Trưng Vương khung cửa mùa thu nữa.
Ca sĩ Ngọc Lan nơi hải ngoại với giọng hát trong sáng nhẹ vút đã nâng cảm xúc mùa thu lên một cung bậc hoàn chỉnh, nhưng lại trong một hòa âm khác hẳn với bản ban đầu; nhanh và mạnh hơn, phù hợp thời đại hơn.
Ca sĩ Trần Thu Hà, gần đây trong một cố gắng làm đổi mới bài hát cho thính giả hiện đại, đã tạo thêm cho ca khúc này một cảm giác đôi chút liêu trai; mùa thu và tình yêu qua giọng hát của cô có gì đó mông lung hơn một chút, lạnh lẽo hơn một chút.
Khung cảnh cho bài hát là một mối tình học trò, mối tình học đường, mối tình của tuổi mới lớn, trong sáng nhưng mạnh mẽ và ngây ngất:
Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Mối tình học trò bao giờ cũng gắn liền với những mái trường, hay những buổi rủ nhau trốn học đi chơi:
Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời
Và công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời
Hôm nay và năm xưa cùng là một cảm xúc mà thôi, đắm đuối theo tình:
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làm mây yêu thương vướng trong hồn em
Tình yêu của con người hòa cùng các cung bậc cảm xúc của mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm; tình yêu cũng là tình cảm đẹp nhất trong quãng đời thiếu nữ, tràn đầy nhung nhớ và khắc khoải:
Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Nắng mùa thu sao mà nhẹ nhàng trong sáng quá, nhẹ tới mức như có thể bay theo bước chân người thiếu nữ
Nắng vấn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh dần
Tình cảm học trò khó mà được dài lâu, khi mùa thu say đắm đó đã qua đi, chỉ còn nỗi nhớ bâng khuâng vẫn đọng lại trong tâm hồn cô gái trẻ
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân
Kỷ niệm tình yêu tuổi học trò thật nhẹ nhàng, nhưng ai dám chắc là nó sẽ không đi theo họ suốt một đời người; Những ngày vắng nhau hóa ra lại là những ngày đáng nhớ nhất
Những ngày đợi chờ
Đợi người trong cơn mơ
Trong mắt ngây thơ
Trong nắng vu vơ
Mấy chục năm qua rồi, mỗi khi nhìn lá rụng thì hình bóng người xưa có còn hiện về trong ký ức? Nếu có cũng chỉ là mờ nhạt mà thôi, vì chăng đối với những tình yêu trẻ, cảm xúc còn quan trọng hơn cả hiện thực.
Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me run run
Trong cơn gió lạnh lùng
Trong nắng ngại ngùng
Tình yêu tuổi học trò quả thật mong manh dễ vỡ, chợt đến lại chợt đi, thay đổi như thời tiết, ngập ngừng như nắng mùa thu.
Tình trần mong manh
Như lá me xanh ngơ ngác rơi nhanh
Đi cùng với người thương, nhưng mà thiếu nữ kia vẫn lo lắng tới những lúc phải chia xa, mường tượng tới những lúc buồn rầu khi chẳng có nhau:
Từng chiều cùng người về trong cơn mưa bay
Nghe thương nhớ tràn đầy lên đôi mắt thật gầy
Lo xa có lẽ đã trở thành bản chất của phụ nữ Việt Nam, nhưng ở cái tuổi mới chớm biết yêu này, thì “nước xa có lẽ không chữa được lửa gần”, những hình bóng nam nhi mà các cô gái trẻ đang mơ tưởng có lẽ cũng sẽ nhanh chóng rời xa các cô mà phiêu du tới những chân trời mới. Trái tim họ không thể ở lại thật lâu với khung cửa sổ học đường. Còn trái tim cô gái chỉ còn biết tăng nhịp đập mỗi khi kỷ niệm cũ ùa về:
Nhớ khói bay lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người
Bản gốc “Tell Laura I Love her”
“Trưng Vương khung cửa mùa thu”, cực kỳ phù hợp với giọng hát của các nữ ca sĩ Việt ngữ, đã trở nên nổi tiếng qua thời gian. Lời bài hát đã xuất sắc như vậy, còn giai điệu mượt mà dễ thương và hòa âm độc đáo cuốn hút này đã đến từ đâu? Để tìm câu trả lời ta sẽ quay lại bản gốc tiếng Anh của bài hát, “Tell Laura I Love her” trong các phần sau.
Nói thêm đôi chút về tác giả lời Việt của ca khúc này; nhạc sĩ Nam Lộc, ông khá nổi trong phong trào nhạc trẻ đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn khi mở lối Việt hóa nhiều bản nhạc ngoại quốc thịnh hành bằng cách đặt lời tiếng Việt.
Bên cạnh “Tell Laura I Love her” mà chúng ta đang bàn, ông cũng đã viết lời Việt cho những bài hát tiếng Anh thời thượng khác như Yellow Birds (Chỉ là giấc mơ qua); “The Cowboy’s Work is never Done (Mây lang thang)… Nhà báo Trường Kỳ kể lại:
“Điểm đặc biệt trong cách viết lời Việt của Nam Lộc là nghệ thuật dùng chữ khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt hoá như chủ trương của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Điển hình là nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”.
Nếu ai không am hiểu và theo dõi nhạc ngoại quốc sẽ cho rằng đó là một nhạc phẩm thuần túy Việt Nam. Thật ra đó là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her” với giai điệu rất phù hợp và ăn ý với lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung.
“Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” được Nam Lộc coi là nhạc phẩm ưng ý nhất của anh suốt thời gian hoạt động trong phong trào nhạc trẻ lúc còn ở Việt Nam.
Về trường hợp viết lời “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, Nam Lộc cho biết đã lấy ý từ tên một đặc san do các nữ sinh Trưng Vương thực hiện vào đầu thập niên 70.
Tính chất lãng mạn và mềm mại của tên đặc san đã khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ nơi anh, một cựu học sinh Chu Văn An, với những mối tình thơ mộng cùng những hẹn hò của tuổi học trò”. (Trích “NAM LỘC: Con người văn nghệ và con người xã hội” – Tivi Tuần-san)
Trở về với bản gốc “Tell Laura I Love her”; ca khúc được đồng sáng tác bởi Jeff Barry và Ben Raleigh; trái ngược với lời tiếng Việt, đó là dành cho giọng ca nam, đã lọt được vào danh sách top 10 ca khúc hay nhất nước Mỹ năm 1960 và đứng thứ 7 trong danh sách US Billboard cùng năm.
Cuối năm đó một bản ghi âm mới của bài hát lại giành vị trí đầu bảng đĩa đơn nước Anh trong 3 tuần liền. Sau đó nó đã trở thành bài hát được yêu thích ở 14 quốc gia và bán được tổng cộng hơn 7 triệu đĩa.
Bài hát gốc tiếng Anh lần đầu tiên được trình bày bởi ca sĩ Ray Peterson, khi đó mới 20 tuổi, sở hữu giọng hát đặc biệt tới 4 quãng tám. Sau đó còn có nhiều ca sĩ khác cũng ghi âm lại bài hát này; có thể kể đến vài cái tên như Ricky Valance, Dickey Lee, Ricky Nelson, John Leyton…Thậm chí, một bài hát đối đáp lại với tên “Tell Tommy I Miss Him” cũng đã ra đời vào năm 1960 do nữ ca sĩ Marilyn Michaels phát hành.
Bài hát Anh ngữ này có thể đã quen thuộc với thính giả miền Nam Việt Nam vào khoảng thập niên 60 và thính giả miền Bắc vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Bài hát cảm động mọi trái tim bằng thông điệp: thân thể có thể ra đi nhưng tình yêu không bao giờ chết. Đây là một bi kịch trong cuộc sống hiện thực, được nghệ thuật hóa thành một ca khúc. Bi kịch của một tình yêu tuổi teen trong xã hội Mỹ, khi trái tim yêu vô cùng mãnh liệt nhưng còn quá nông nổi.
Ai có thể không rơi lệ khi nghe bài hát này?
Chàng trai nghèo Tommy có một tình yêu mãnh liệt với cô gái Laura. Chàng mơ ước có thể tặng cho người yêu những món quà, những bó hoa và nhất là một chiếc nhẫn cưới.
Nhưng biết kiếm đâu ra đủ tiền để mua những món đồ đó đây? Tình cờ chàng nhìn thấy một quảng cáo đua xe có thưởng; cơ hội kiếm tiền của chàng bất ngờ xuất hiện.
Chàng đành lỗi hẹn với người yêu, chỉ kịp gửi lời nhắn trên điện thoại qua mẹ nàng rằng chàng bận phải đi công chuyện một chút nên không thể tới nhà nàng ngay được.
Thế rồi chàng tới trường đua, trong tiếng la ó của đám đông khán giả, chàng lao xe đi với một tốc độ “tử thần”, quyết tâm mang về cho mình giải thưởng giá trị.
Nhưng cuộc đời đã không chiều theo ý muốn của chàng trai trẻ. Vụ tai nạn trên đường đua đã nhanh chóng xảy ra, cướp đi mạng sống của chàng.
Trong những hơi thở cuối cùng, chàng vẫn cố gắng để lại lời nhắn cho Laura rằng chàng rất yêu nàng, rằng nàng đừng có khóc, vì tình yêu của chàng với nàng sẽ không bao giờ chết. Chàng mãn nguyện vì đã được chết vì nàng.
Trong nhà thờ, Laura đang cầu nguyện cho người yêu; cô khóc vì chàng trai đã vì yêu mình mà sống, cũng vì yêu mình mà phải chết. Trong không gian linh thiêng đó, khi chỉ có một mình, cô bỗng nghe thấy rõ ràng tiếng khóc từ linh hồn của Tommy, nói rằng cô đừng khóc nữa, rằng anh sẽ mãi yêu cô.
Lời bài hát tiếng Anh mộc mạc, giản dị, trong sáng theo lối kể chuyện
Phản ánh một nét văn hóa Mỹ đặc trưng thời kỳ đó, đất nước của những con người thực dụng, ai muốn kiếm nhiều tiền nhanh thì phải liều mạng tham gia những trò chơi nguy hiểm.
Chẳng phải đến tận bây giờ chúng ta thi thoảng vẫn còn thấy những trường hợp tử nạn của các vận động viên đua xe hay sao, cho dù các kỹ thuật và công nghệ đảm bảo an toàn cho tay đua hiện nay đã tiến bộ hơn nhiều so với thời đó.
Trên thực tế, lúc đầu khi Jeff Barry sáng tác lời của bài hát đã dựa trên câu chuyện về thi cưỡi bò tót theo kiểu những chàng cowboy chứ không phải là một cuộc đua xe tốc độ (Cưỡi bò tót cũng là một môn thi đấu thể thao rất nguy hiểm cho người tham gia; con bò mộng nặng khoảng 600kg lồng lên có thể hất tung người cưỡi, dẫm đạp lên họ và húc họ).
Nhưng sau đó nhà sản xuất đã thuyết phục ông viết lại lời cho gần gũi hơn với một bài hát đang nổi đình đám lúc đó là “Teen Angel”.
Và đó là lý do nhân vật Tommy trong bài hát này đã không thể hiện “bản lĩnh Mỹ” dưới chiếc áo của một chàng chăn bò mà là một tay đua xe đường trường amateur, nơi cuối cùng chàng cũng phải bỏ mạng, bỏ lại cả người yêu.
Văn hóa và tình cảm phương Đông và phương Tây quả thực quá khác nhau, nhất là vào thời kỳ đó. Sự phân hóa của ca khúc này là một ví dụ điển hình đầy thú vị. Dưới đây là lời đầy đủ của bài hát tiếng Anh để quý bạn đọc tiện tham khảo:
Laura and Tommy were lovers
He wanted to give her everything
Flowers, presents
And most of all a wedding ring
He saw a sign for a stock car race
A thousand dollar prize it read
He couldn’t get Laura on the phone
So to her mother Tommy said:
“Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura I may be late
I’ve something to do that cannot wait”
He drove his car to the racing ground
He was the youngest driver there
The crowd roared as they started the race
Round the track they drove at a deadly pace
No-one knows what happened that day
Or how his car over-turned in flames
But as they pulled him from the twisted wreck
With his dying breath they heard him say:
“Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die”
Now in the chapel where Laura prays
For her Tommy who passed away
It was just for Laura he lived and died
Alone in the chapel she can hear him cry
“Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die
Tell Laura I love her…”